Bước vào nhà nghỉ và một khách sạn 5 sao bạn sẽ thấy rất nhiều sự khác biệt. Mọi thứ ở KS 5 sao đều cao cấp hơn hẳn từ cái lavabo tới cái ga trải giường, từ ông bảo vệ tới người tiếp tân, từ cái nắm đấm cửa tới cái tivi. Túm lại đó là hai đẳng cấp khác nhau.
Một anh dọn phòng ở nhà nghỉ hàng ngày vẫn hoàn thành công việc theo tiểu chuẩn của nhà nghỉ. Vì một lý do nào đó anh ta chuyển sang làm dọn phòng cho khách sạn 5 sao. Cho dù chẳng ai chỉ bảo anh thì anh cũng ý thức được đây là một khách sạn 5 sao. Trước anh trải ga chẳng buồn nhìn lại thì nay anh mất cả chục phút nhằm đảm bảo rằng ga trải giường phẳng lì. Trước anh mặc kệ các vết bẩn trong toilet thì nay mắt anh láo liên nhằm đảm bảo rằng mọi thứ sạch bóc. Theo năm tháng anh ta thay đổi mọi yếu tố: thái độ, kỹ năng, kiến thức,….Và anh không còn phải ngại ngùng nộp đơn vào khách sạn 6 sao như thủa anh từ nhà nghỉ nộp đơn vào ks 5 sao.
Giả sử anh ta vẫn làm nhà nghỉ và vì lý do nào đó anh ta đặt ra tiêu chuẩn như là một khách sạn 5 sao. Anh ta xếp ga giường phẳng lì, chùi mọi vết bẩn trong toilet, chào hỏi lịch sự thậm chí xách đồ cho khách. Khách bình thường đến nhà nghỉ đã có trong đầu tâm lý tiền nào của nấy rồi, nay được phục vụ cao hơn chuẩn cảm thấy rất hài lòng.
Vấn đề ở đây là anh ta chỉ là một cá biệt trong một nhà nghỉ có nhiều người phục vụ. Có rất nhiều thứ trong nhà nghỉ có thể làm như một tiêu chuẩn 5 sao mà chẳng tốn thêm xu nào nhưng không ai buồn làm. Người lễ tân chỉ cần niềm nở hơn, ăn mặc sạch sẽ hơn, xách đồ cho khách khi họ cần,…Nhưng vì họ nghĩ rằng đây là nhà nghỉ mà nhà khách vào nhà nghỉ chỉ đáng thế nên làm quá lên là không cần thiết.
Nếu như Nhà nghỉ, khách sạn 5 sao là tập hợp các tiêu chuẩn trong nhận thức của chúng ta thì hành động của chúng ta sẽ theo các tiêu chuẩn tương ứng vì vậy mang lại kết quả tương ứng.
Nếu như bạn cho rằng đã là giường thì chăn gối phải xếp gọn gẽ, ga giường phải phẳng và sạch thì bạn sẽ có hành động để cái giường nhà bạn luôn thế. Ngược lại bạn chẳng có tiêu chuẩn gì đối với giường, nó có thể bề bộn cũng không sao thì chắc chắn là bạn sẽ không có hành động gì để làm nó ngăn nắp sạch sẽ.
Trong mọi mặt đời sống các tiêu chuẩn trong tiềm thức (nhận thức) dẫn dắt các suy nghĩ của chúng ta từ đó dẫn tới các hành động và kết quả tương ứng. Gói gọn lại trong câu ” Chúng ta nhận được những gì mà chúng ta nghĩ rằng mình xứng đáng được nhận”
Ví dụ:
Nếu bạn nghĩ rằng các ông chồng nói chung không cần phải giúp đỡ vợ việc bếp núc thì đương nhiên bạn sẽ không bao giờ yêu cầu chồng bạn phải làm vậy. Và nếu anh ta có dở chứng rửa bát thì bạn cũng đuổi anh ta ra ngồi ghế sofa. Kết quả là bạn nhận được đúng một ông chồng theo tiêu chuẩn của bạn.
Ngược lại, nếu tiêu chuẩn của bạn là người chồng phải giúp đỡ vợ việc bếp núc thì bạn sẽ hướng dẫn anh ta, động viên anh ta kịp thời. Bạn hướng anh ta tới công việc bếp núc và dần dần bạn sẽ có một ông chồng như vậy cho dù xuất phát điểm ban đầu có là như thế nào.
Tóm lại việc xây dựng cho mình những tiêu chuẩn cao là hết sức quan trọng. Có những thứ bạn nên xây dựng tiêu chuẩn thấp để dễ cảm thấy hài lòng nhưng đa phần chúng ta sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn cao để kéo bản thân mình lên. Một trong số đó là vấn đề tài chính.
Tiêu chuẩn tài chính trong nhận thức là gì?
Trong ví bạn thường có 1 triệu. Vì một lý do nào đó nó tăng lên thành 5 triệu, cảm giác lúc đó của bạn rất bứt dứt chỉ muốn đẩy nhanh 4 triệu đi để về mức 1 triệu như ban đầu.
Nghe rất kỳ cục nhưng trong nhận thức của chúng ta tồn tại một con số mà chúng ta nên có trong ví hay trong gia đình. Khi số tiền thấp hơn con số đó ta cảm thấy không yên và muốn tìm mọi cách để kiếm tiền đạt tới nó. Khi số tiền nhiều hơn thì ta tìm mọi cách để tiêu cái khoản thừa đi.
Gì chứ việc tiêu tiền giờ rất dễ. Đi ăn rồi đi xem phim với người yêu buổi tối bỏ rẻ cũng mất 400 nghìn. Iphone với Samsung cứ 6 tháng ra một đời mới có mức giá khoảng 24 triệu. Hồi xưa các đồ điện tử theo tiêu chí bền nên có khi cả đời mua một lần như tủ lạnh, nồi cơm điện,…Ngày nay hàng hóa theo tiêu chí đẹp, hiện đại, hợp mode; mà để làm như vậy thì cần gì bền.
Mức này thậm chí có thể âm. Có những người luôn luôn mắc nợ, lúc nào họ cũng phải nợ tiền một ai đó. Khi trả nợ được X đồng thì họ tìm cách để tiếp tục được nợ. Trạng thái kiếm tiền trả nợ là trạng thái bình thường mà nếu không có họ cảm thấy bất an.
Giờ hãy suy nghĩ là thường thì trong ví bạn và cả gia đình bạn có bao nhiêu tiền? Bạn có thấy là mức đó không dao động mấy trong nhiều năm qua không? . Nếu trước gia đình bạn cuối tháng đều hết sạch tiền thì giờ vẫn thế cho dù tổng thu nhập đã tăng gấp vài lần.
Ví dụ bạn tìm được mức đó là 20 triệu. Mức 20 triệu này quyết định rằng bạn chỉ nỗ lực vừa đủ để kiếm tiền nhằm đảm bảo rằng luôn có 20 triệu.
Giờ giả sử bằng cách nào đó bạn mặc nhiên cho rằng mình phải có 200 triệu trong gia đình. Định mức này tồn tại hiển nhiên trong tâm thức bạn giống như nó đương nhiên phải vậy chứ không đơn giản chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Bạn sẽ tìm mọi cách để có được số tiền đó. Nếu việc hiện tại không cho phép bạn làm vậy thì bạn sẽ tìm việc khác, nếu thấy thời gian dành cho công việc là chưa đủ thì bạn dành nhiều thời gian hơn, nếu thấy rằng mình tiêu quá nhiều thì bạn tìm cách tiêu ít đi. Và rồi bạn sẽ có 200 triệu.
Tôi nhấn mạnh là việc đặt mục tiêu có 200 triệu trong vòng 2 năm chẳng hạn không giống như tình huống này. Bạn có thể đặt mục tiêu 200 tr nhưng trong tiềm thức bạn lại cho rằng mình chỉ cần 20 triệu. Tình huống này bạn ghim vào trong tiềm thức rằng mình đương nhiên phải có 200 triệu (Nhận thức rằng mình cần có 200tr), tiềm thức sẽ dẫn dắt suy nghĩ rồi tới hành động.
Nhưng xây dựng cái gì đó vào trong tiềm thức không dễ. Thường một việc gì đó lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì mới thành thói quen từ đó in vào trong tiềm thức. Mức 20 triệu đã tồn tại rất nhiều năm rồi, không thể một sớm một chiều nâng lên 200 triệu được.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có hai cách để làm điều này:
Leo thang liên tục
Thông thường chúng ta vô thức hoặc có ý thức theo hình thức này. Vô thức khi mà tốc độ tăng của thu nhập vượt nhiều so với tốc độ tăng của chi tiêu. Mặc dù tiềm thức “không muốn” nhận thêm tiền nhưng khoản chênh lệch vẫn được tạo ra. Số tiền tích lũy cứ tăng dần lên nhờ vậy mà mức tiền cũng tăng theo.
Vô thức có nhược điểm là thu nhập phải tăng nhanh (mà thường ít người gặp) và mức tăng không có sự dẫn dắt nên tăng chậm và dễ quay trở lại các mốc trước đó khi thu nhập giảm.
Có ý thức là chúng ta tự đặt ra các mức và các mức này vừa đủ để đạt được trong một khoảng thời gian ngắn ( khoảng 3 tháng trở lại). Ví dụ nếu mức đang là 20 triệu thì hãy đặt là trong vòng 3 tháng tới số tiền thường có sẽ là 20 triệu và 1 trăm nghìn.
Bạn sẽ bảo rằng 3 tháng tiết kiệm thêm 100.000 đ thì biết bao giờ mới khá được. Thực ra ngay tháng thứ hai bạn sẽ quyết định rằng mình nên có thêm 500.000 đ. Và tới tháng thứ 3 thì bạn đã tích được 1 triệu. Sau đó bạn lại đặt mục tiêu cho 3 tháng tiếp theo là 21triệu và 500 nghìn.
Bí quyết ở đây là bạn sẽ mồi cho tiềm thức. Nếu bạn đặt mục tiêu là 21 triệu ngay thì tiềm thức sẽ bảo rằng làm sao mà tiết kiệm được và nó tìm mọi cách để chứng minh rằng nó đúng. Nhưng nếu bạn chỉ đặt 100.000 đ thôi nó sẽ bảo rằng như thế thì bao giờ mới giàu được và tự đưa ra các mức cao hơn số tiền đó.
Vì lý do này mà các sách dạy làm giàu nói chung đều bảo rằng bạn phải bắt đầu tích lũy cho dù số tiền đó có nhỏ tới đâu. Đừng nghĩ rằng một tháng tiết kiệm được 6 triệu thì 10 năm là 60 triệu; không, 10 năm sẽ là số tiền nhiều hơn nhiều. Sai lầm của chúng ta là chúng ta nghĩ rằng mức lương đang có chỉ đủ sống, có tích lũy mỗi tháng được vài trăm nghìn thì cũng chẳng để làm gì.
Thông thường khi lập gia đình thì ta tích lũy nhiều hơn là khi độc thân. Nguyên nhân vì khi sống với bố mẹ thì ta chỉ cần vài trăm nghìn trong túi là đủ, mọi chi phí đều có bố mẹ lo. Khi đã có gia đình riêng ta phải chi nhiều khoản như lễ hỏi, ốm đau,…vì vậy ta tự xây cho mình một mức là vài triệu. Rồi dần dần số tiền này tăng dần vì chúng ta ý thức hơn những chi phí trong tương lai khi con vào đại học, ta chẳng may bị ốm đau, …
Đột phá
Cách này dành cho những người có tính kỷ luật cao. Ví dụ nếu mức hiện tại là 20 triệu thì mức mục tiêu là 200 triệu. Bạn phải tính toán mức này sao cho nó phải vượt quá so với mức leo thang vì nếu phương pháp leo thang làm được thì nên theo leo thang.
Cách này chính là cách trong cuốn “Think and grow rich”. Hàng ngày hãy lặp đi lặp lại trong đầu rằng mình cần có 200 triệu. Dần dần mức này sẽ in vào tiềm thức. Tiềm thức sẽ cảnh báo với bạn rằng nếu bạn làm theo cách thông thường thì sẽ không thể đạt được. Nó sẽ thúc đẩy bạn đi tìm các con đường mới.
Đơn giản nếu bạn không có suy nghĩ bơi vượt sông hồng hoặc là chết thì bạn chẳng bao giờ luyện tập để bơi qua sông hồng và giả sử bạn đủ năng lực thì bạn cũng không bơi qua. Sai lầm chỉ là bạn đang chưa biết bơi mà đòi ngày mai bơi vượt qua sông hồng giống như một em sinh viên mọi thứ đang bằng không mà đòi sang năm có trong túi 200 triệu.
Các bạn trẻ ngày nay thường mong muốn một cái gì đó phải có kết qủa ngay. Họ muốn hôm nay gieo hạt thì ngày mai phải có quả ăn. Cuộc đời đâu đơn giản như thế, gieo hạt ngày hôm nay thì mai vẫn là hạt mà một tuần sau thì cũng vẫn là hạt. Hạt đó chỉ mọc cây và ra quả khi có thời gian và sự nỗ lực liên tục của bản thân. Đừng hôm nay gieo hạt bưởi, ngày mai chưa thấy bưởi thì đập đi gieo hạt cam, rồi ngày hôm sau không có quả cam thì lại đập đi gieo hạt mít,…. Cho dù có gieo hạt gì thì nếu có sự kỷ luật và nỗ lực liên tục thì kiểu gì cũng sẽ có quả ăn.
Mới sáng hôm qua ở Long Biên – Hà Nội có vụ xe Camry đâm xe làm 3 người chết, trong đó có 1 cháu nhỏ. Một sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của tất cả mọi người: chủ xe, lái xe, 3 người gặp nạn, nhà cửa quanh chỗ xảy ra tai nạn. Sự kiện là một rủi ro, ảnh hưởng rất nặng lề tới những người trong cuộc.
Bảng dưới là thống kê tình hình giao thông từ 2011 tới 2015:
Chúng ta thấy bất chấp việc cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường xử phạt thì số người chết vì tai nạn giao thông vẫn không thay đổi gì nhiều. Điều này có nghĩa rằng sự kiện tai nạn đó nếu không xảy ra tại Long Biên thì sẽ xảy ra tại một địa điểm khác hoặc từ nhiều địa điểm khác có tổng người chết và bị thương tương ứng.
Ngay cả số tiền xử phạt cũng không có thay đổi gì nhiều, tuy nhiên có thể được giải thích thông qua cơ chế khoán của CA. Số liệu người chết thì tôi không nghĩ là người ta lại bóp méo để đảm bảo rằng năm sau không cao hơn năm trước.
Điều này làm ta liên tưởng tới một vị thần nào đó trên trời khoán cho Việt Nam mỗi năm phải cống nạp bao nhiêu người bằng con đường tai nạn giao thông. Thậm chí nếu thống kê tổng số người chết vì tất cả các nguyên nhân thì có khi con số tổng cũng không thay đổi.
Nhìn ở vế ngược lại, số người gặp vận may cũng được phân bổ xuống (giống như vậy rủi vậy). Giả sử một công ty có 1 vị trí ngon, bạn không được tuyển dụng vào thì người khác cũng sẽ được tuyển dụng vào. Một căn nhà giá rẻ bất ngờ, bạn không mua được thì người khác cũng sẽ mua được. Hôm nay bạn không trúng đề thì người đánh khác sẽ trúng và cho dù thế nào thì chủ đề cũng thu được tiền.
Vậy thì yếu tố may rủi ảnh hưởng gì tới cá nhân mỗi chúng ta? Càng về già bạn sẽ càng chiêm nghiệm rằng trong cuộc đời này cho dù hàng ngày chúng ta gặp rất nhiều sự kiện khác nhau, cả xấu và tốt, thì cũng chỉ có 1 hoặc 2 sự kiện đặc biệt quan trọng khiến ta bi đát như ngày nay hoặc nở hoa như bây giờ.
Sự kiện đó có thể ta gặp được một người bạn tốt hoặc xấu, gặp một người sếp tốt hoặc xấu, lấy được chồng/vợ tốt hoặc không mua hoặc không mua một vật dụng nào đó,….Sau đó là cách chúng ta phản ứng với sự kiện cũng rất đặc trưng. Một số sự kiện phụ trợ sau đó thêm mắm thêm muối khiến cho hậu quả càng ghê gớm hơn hoặc kết quả càng mỹ mãn hơn.
1. Một sự kiện gọi là may rủi khi nó đảm bảo 3 tiêu chí sau:
Sự kiện xảy ra độc lập so với chủ thể (là ta)
Xét trong vụ tai nạn tại Long Biên, chuỗi sự kiện của 3 người bị nạn hoàn toàn độc lập so với chuỗi sự kiện của người lái xe và các tác nhân khác (chiếc xe máy, ô tô đậu). Chuỗi sự kiện có thể tính trong ngắn hạn hoặc có thể tính từ lúc chào đời của từng đối tượng trong sự kiện. Chỉ 1 sự kiện nào đó trong chuỗi sự kiện đó thay đổi thì có khi vụ tai nạn đã không xảy ra vào lúc đó (nhưng có thể vào lúc khác).
Một người lao đầu xuống sông tự tử và bị chết thì đó không gọi là không may mắn vì rõ ràng sự kiện có sự quyết định của chính anh ta. Trước kỳ thi không học gì cả, bị điểm xấu thì không thể gọi là không may.
–
Sự kiện may rủi sẽ mang lại một kết quả tiểm ấn tốt hay xấu đủ lớn
Đủ lớn ở đây được hiểu là sự kiện đó phải ảnh hưởng tới cuộc đời ta. Nếu tính cả việc hôm nay may mắn ăn được tô phở ngon khiến lòng phấn chấn thì có mà liệt kê cả ngày.
Đi giữa đường hết xăng. Nếu như sự kiện đó không khiến bạn nỡ một cuộc hẹn phỏng vấn quan trọng mà chỉ là về muộn hơn ngày thường một chút thì không đáng gọi là sự kiện may rủi.
Tiểm ẩn là khả năng có xác xuất cao xảy ra. Ví dụ trước kỳ thi ta không học gì cả thì tiểm ẩn một rủi ro rất cao là sẽ bị thi trượt. Thực tế ta lại được điểm cao thì đó là ta đã gặp may, còn nếu ta bị điểm xấu thì đó không phải ta gặp vận rủi.
Một người lao đầu xuống sông tự tự tiểm ẩn nguy cơ rất cao là chết đuối. Nếu anh ta chết đuối thật thì đó không gọi là không may, nhưng nếu bỗng nhiên lúc đó lại có người bơi rất giỏi cứu anh thì anh ta đã gặp may.
Trong quản lý rủi ro bản thân, ta cố gắng hạn chế tối đa hậu quả của một sự kiện có rủi ro tiềm ẩn hậu quả lớn. Trong quản lý vận may của bản thân, ta cố gắng tăng tối đa một sự kiện may mắn có tiềm ẩn lợi ích lớn. Nếu giỏi ra ta có thể biến rủi ro thành cơ hội, biến một rủi ro có tiềm ẩn hậu quả lớn thành một sự kiện mang lại lợi ích lớn. Mà nếu dốt thì ta có thể biến một cơ hội thành rủi ro, biến một cơ hội có tiềm năng mang lại lợi ích lớn thành trái đắng.
Sự kiện có các yếu tố không thể dự đoán trước
Ta biết chắc là nếu như cứa miếng thủy tinh kia vào da thì sẽ chảy máu. Ta thử cứa và đúng là chảy máu thật, đó không phải là không may. Nhưng một đứa trẻ chưa biết tới việc này và nó bị chảy máu thì đó là sự không may, nhưng đó cũng là may mắn vì nó đã học được một bài học để tương lai không thử chọc dao vào bụng.
Ta biết chắc vị trí đó trong công ty sẽ có mức thu nhập rất cao. Ta cố gắng phấn đấu vào vị trí đó và được hưởng mức thu nhập cao thật, đó không phải là sự may mắn vì ta đã biết trước điều đó rồi.
Tập thể thao đều đặn mang lại sức khỏe, điều này khỏi phải bàn cãi. Đối với những người tập thể thao đều thì sức khỏe họ sở hữu là đương nhiên, họ không coi mình đã có may mắn có một sức khỏe tốt.
Quản trị rủi ro giống như việc phòng và chống cháy. Phòng cháy là việc ta dự đoán các tình huống có thể xảy ra cháy và tìm mọi cách để tình huống đó không xảy ra. Chống cháy là việc ta dự đoán tất cả các tình huống chữa cháy và ứng dụng ngay một biện pháp phù hợp khi đám cháy xảy ra. Tuy nhiên, có những tình huống không thể dự đoán, độc lập với chủ thể, tiểm ẩn kết quả lớn vẫn cứ xảy ra. Ví dụ như đúng thời điểm cháy có một trận mưa rất lớn dập tắt đám cháy. Khóa cửa bị trục trặc không thể mở cả từ trong và ngoài khiến người trong nhà không thể thoát ra……
Entry này không phải là entry hướng dẫn bạn về quản trị rủi ro mà giúp bạn ý thức được vai trò của may rủi trong cuộc sống. Khi ý thức được bạn sẽ để ý hơn và tận dụng cũng như phòng tránh tốt hơn. Xét theo xác xuất, mỗi chúng ta trong cuộc đời nhận được những vận may và vận rủi có kết quả tiềm ẩn như nhau nhưng cách chúng ta đối phó với nó khác nhau vì vậy có cuộc đời khác nhau.
2. Khả năng tận dụng được sự may rủi
Người ta bảo trong nguy có cơ và trong cơ có nguy. Trong nguy hiểm luôn ẩn chứa cơ hội mà trong may mắn luôn ấn chứa rủi ro. Nó cho thấy rằng cách người ta đối mặt với các sự kiện định hình lên một sự kiện là tốt hay là xấu. Một sự kiện có kết quả tiềm ẩn (nguy cơ) rất xấu so với người này lại có thể là may mắn đối với người khác.
Chiếc xe bạn bị xịt lốp là rủi ro của bạn nhưng lại là may mắn của ông vá lốp. Ngày hôm đó ông ý đã vá được thêm một cái lốp nhờ bạn gặp rủi ro xịt lốp. Sự kiện xịt lốp tiềm ẩn việc bạn trễ hẹn và tốn tiền nhưng nó cũng có thể là một sự kiện may mắn khi bạn đã không xuất hiện đúng cái điểm vào đúng cái lúc mà một xe ô tô mất lái lao qua.
Trên thị trường chứng khoán, người này gặp may trúng lớn thì người khác sẽ gặp rủi thua đậm. Thời điểm nhận kết quả khác nhau nhưng nếu xét trong một khoảng thời gian đủ lớn thì thắng và thua là cân bằng.
Các sự kiện may rủi đến một cách cân bằng, chúng ta không cố gắng chống lại quy luật của tự nhiên và xã hội làm gì. Cái chúng ta có thể làm đó là biến những sự kiện cho dù rủi hay may thành những kết quả tốt nhất có thể, đó là ô III và ô IV.
3. Các quy tắc để có kết quả tốt từ những sự kiện may rủi.
( Cái này tôi lấy từ các nguyên tắc trong cuốn “Vĩ đại do lựa chọn” áp dụng cho DN. Thấy cũng đúng với cá nhân nên chuyển qua )
– Sợ hãi hữu ích:
Là việc chúng ta nhìn một tình huống ở góc độ biết sợ. Tôi không nói tới tâm trạng bi quan hay tư duy tiêu cực; chúng ta vẫn có thể có tư duy tích cực nhưng vẫn có sự đề phòng cần thiết.
Ta đang đi xe máy và đằng sau có một ô tô tải, con đường đông và hẹp. Nếu biết sợ ta sẽ chú ý nép vào cạnh đường thậm chí là dừng lại để cho xe tải vượt qua. Nếu không sợ thì không làm gì cả và có thể chẳng điều gì xảy ra nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ mình không xin được việc làm khi bị mất việc đột ngột nên chúng ta chịu khó học tập nâng cao năng lực. Có thể rằng mọi thứ vẫn ok cho tới khi ta về hưu nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ vợ/chồng chán ta nên ta quan tâm tới tình cảm của vợ/chồng và có những hành động thiết thực. Có thể rằng vợ/chồng ta cũng chẳng chán ta cho dù ta không làm gì nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ bị bệnh hiểm ngèo nên chịu khó tập tành thể dục thể thao, ăn uống điều đồ, hạn chế bia rượu. Có thể rằng cho dù không làm mấy điều đó thì ta cũng không bị bệnh hiểm ngèo nhưng biết đâu đấy.
Sợ hãi hữu ích không phải là cái gì cũng sợ, nếu thế thì ta sẽ bị mất tập trung vào những thứ quan trọng. Người thông minh, từng trải sợ những cái đáng sợ. Người ngu thì sợ những cái không đáng sợ và không sợ những cái thực sự đáng sợ.
– Nguyên tắc nhất quán
Chúng ta nhận được kết quả giống nhau khi làm những thứ giống nhau. Câu này thường được hiểu ở vế tiêu cực, thể hiện việc người ta không chịu thay đổi. Nhưng nếu như kết quả thực sự tốt thì cần gì phải thay đổi?
Ở trong bệnh viện một thời gian, tôi nghiệm ra rằng các tai nạn thường xảy ra trong những tình huống mà có sự thay đổi nào đó so với thường gặp. Thường là thay đổi về môi trường do không quen với các hiểm nguy ở môi trường mới nên gặp tai nạn. Cũng là hoạt động lợp mái nhà nhưng ở cái nhà mới tới có cái dây điện cao thế ngay cạnh, vác thang nhôm chạm vào đó nên bị giật điện. Cũng là hoạt động chơi của trẻ con nhưng về quê chơi bên đống rơm đang cháy nên bị bỏng. Bọn trẻ ở quê lại không bị vì nó biết chơi cạnh rơm cháy là rất nguy hiểm.
Nguyên tắc nhất quán không có nghĩa tiêu cực là bạn không bao giờ thay đổi hiện trạng. Nguyên tắc nhất quán ở đây được hiểu là bạn có một bộ các nguyên tắc ứng xử nhất quán đơn giản dễ thực hiện. Ví dụ:
Không về sau 9 giờ tối.
Không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Không uống quá một lít rượu/tháng
Đi xe phải đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.
Mỗi tháng đọc một cuốn sách
Mỗi năm tham gia 2 khóa học.
Mỗi ngày chạy 5 km.
…
Có những nguyên tắc giúp duy trì hiện trạng và cũng có những nguyên tắc khiến bạn tiến lên một cách chậm rãi.
– Sáng tạo từ sự trải nghiệm bản thân
Rất nhiều người trong chúng ta hành xử theo kinh nghiệm của người khác. Lấy ví dụ như uống thuốc theo lời khuyên của bạn bè, chọn chồng theo lời khuyên của mẹ, chọn việc theo lời khuyên của bạn nhậu,…..Ngay cả trong những tình huống mà tự chúng ta cảm thấy có gì đó không ổn và muốn một lựa chọn khác thì chúng ta vẫn cứ bị cuốn theo những lời khuyên của người khác vì cảm thấy an tâm hơn.
Phản ứng đầu tiên của chúng ta ngày nay khi gặp bất cứ vấn đề gì là hỏi anh google. Hành vi này khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài thay vì xây dựng củng cố từ bên trong. Mỗi chúng ta là một chủ thể độc lập và được tạo hóa ban cho một số khả năng nhất định, chúng ta đủ năng lực để tự quyết trong những tình huống khẩn cấp. Nếu như ta có nghe lời khuyên của người khác thì đó chỉ nên ở mức tham khảo mà thôi.
Người ta càng về già thì kinh nghiệm càng nhiều và càng biết cái gì là tốt cho bản thân. Người trẻ bên cạnh việc chưa có kinh nghiệm còn gặp khó khăn là sống lên trong thời mà cha mẹ rất quan tâm tới họ thường ban phát lời khuyên theo chủ quan của họ. Vì vậy thế hệ 9x sẽ khá thiệt thòi về điểm này.
Kết luận:
Trong cuộc sống có những quy luật nhân quả rất rõ ràng. Nếu bạn gieo một nhân tương ứng với một quả và nhận quả thì đó không gọi là may rủi, đó là tất định. Khó khăn là gieo nhân đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong một khoảng thời gian dài nên con người dễ bỏ cuộc. Lấy ví dụ như ai cũng biết sức khỏe là quan trọng, để có sức khỏe thì phải tập tành thể thao đều đặn nhưng có mấy ai làm được. Hoặc ai cũng biết đọc sách là quan trọng nhưng có mấy ai đọc sách đâu.
Cuộc sống ban phát các sự kiện may rủi một cách đồng đều. Mức độ sẵn sàng tiếp nhận sẽ quyết định sự thành hay bại của mỗi người. Ví dụ mỗi người chúng ta đều sống trong đất nước Việt nam này nên chịu ảnh hưởng như nhau về các vấn đề môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội. Mỗi người chúng ta cũng nằm trong một công ty nào đó mà tất cả mọi người khi bước chân vào công ty đều như nhau trước công ty nhưng theo thời gian chúng ta đi vào các cấp bậc khác nhau.
Vì các sự kiện may rủi không thể dự đoán, khách quan với chủ thể nên ta phải đưa mình vào trạng thái sẵn sàng để cho dù điều gì xảy ra ta cũng sẽ tiếp nhận tốt. Xây dựng cho mình một trạng thái biết sợ hữu ích, xây dựng một bộ nguyên tắc đơn giản để tuân thủ và biết dựa vào chính mình là những điều cần phải học và áp dụng.
Trong 3 điều thì tôi cho rằng Biết sợ hữu ích đóng vai trò rất lớn. Trong cuộc sống chúng ta thấy là chính rủi ro đôi khi mang lại niềm vui. Lấy ví dụ như những người đua xe, leo núi, lặn biển,….không phải là họ không ý thức được nguy hiểm mà chính nguy hiểm mang lại cho họ sự phấn khích. Trong kinh doanh có câu ” Lợi nhuận tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro” hàm ý rằng an toàn và tiền bạc không đi đôi với nhau. Sợ hãi hữu ích không ngăn bạn làm những việc nguy hiểm, nó chỉ nhắc bạn là nếu bạn có leo núi thì hãy chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết để bất cứ rủi ro nào xảy ra bạn cũng sẽ vượt qua. Trong kinh doanh, cùng với sự nhạy cảm nó chỉ cho bạn những nơi đừng đụng vào, chuẩn bị sẵn cho những tình huống xấu nhất để bạn không lụi tàn ngay lần vấp đầu tiên.
Sợ hãi hữu ích cũng nhắc nhở bạn rằng cuộc sống này là vô thường. Mọi thứ luôn luôn vận động vì vậy rủi ro luôn luôn xuất hiện. Đừng như con nai vàng ngơ ngác cho tới tận khi vào bụng hổ rồi vẫn cứ ngơ ngác hỏi tại sao.
Trong 3 tiêu chí ASK (Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức) thì Thái độ được xếp đầu bảng bởi mức độ quan trọng và mức độ khó học. Nhà tuyển dụng trọng tâm vào tuyển người có thái độ tốt hơn là 2 yếu tố còn lại. Kỹ năng và Kiến thức có thể học vài tháng, vài năm; còn thái độ là sự tích tụ từ khi sinh ra tới nay do vậy không dễ mà thay đổi. Muốn thay đổi đòi hỏi một sự tự nhận thức rất cao.
Đầu bảng trong những thái độ quan trọng là Thái độ chủ động. Nó là thói quen đầu tiên trong 7 thói quen của người thành đạt. Nó quyết định phần lớn tới cuộc đời của chúng ta. Đã có hẳn một entry hoàn thiện bản thân phần 13 dành cho nó.
Ai trong mình cũng có một sự chủ động ở một cấp độ nào đó. Câu hỏi là Điều gì chi phối sự chủ động của ta? và Ta đang ở đâu trong các cấp độ chủ động? Hai câu hỏi này sẽ được trả lời chi tiết trong entry này.
Mỗi chúng ta đều có 2 vòng tròn như sau:
1. Vùng trách nhiệm :
Là những việc bạn phải làm theo từng vị trí của mình. Trong tổ chức công ty thì theo Mô tả công việc của vị trí nắm giữ. Trong Gia đình thì có mô tả bất thành văn về trách nhiệm của bố mẹ, con cái. Bước chân sang nhà người khác, vào quán cà phê, rạp chiếu phim,… thì đóng vai trò là khách của các tổ chức đó và có trách nhiệm tương ứng.
Vùng trách nhiệm bao gồm 2 vòng tròn. Vòng tròn 1: Trách nhiệm mà tổ chức đó quy định và vòng tròn 2: Trách nhiệm mà mình nghĩ rằng mình phải thực hiện khi ở trong tổ chức đó (tự nhận thức). Giữa mình nghĩ và cái mà tổ chức nghĩ thường không khớp nhau.
Ví dụ: Trách nhiệm của bố mẹ là phải dạy dỗ con cái nhưng có bố mẹ lại nghĩ rằng đó là trách nhiệm của nhà trường. Nhân viên thì nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cấp trên còn cấp trên thì nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cấp dưới. Phòng A nghĩ rằng đó là trách nhiệm của phòng B, phòng B nghĩ ngược lại. Nhân dân thì cho rằng đó là trách nhiệm của chính phủ, chính phủ thì cho rằng đó là trách nhiệm của nhân dân.
Thực tế không có sự mập mờ như thế. Mỗi một tổ chức, gia đình, xã hội, công ty,.. đều có những quy định thành văn hoặc bất thành văn về trách nhiệm của mỗi một vị trí trong tổ chức đó phải đảm nhận. Trách nhiệm coi là chuẩn mực phải là trách nhiệm được quy định bởi tổ chức, không phải là trách nhiệm tự nhận thức.
Mở rộng ra thì chúng ta thuộc về tổ chức Việt Nam nên có trách nhiệm công dân. Chúng ta cũng là một thành phần của nhân loại nên có trách nhiệm của một con người. Chúng ta cũng là một cơ thể sống giống như mọi sinh vật khác nên cũng có trách nhiệm trong các quy luật của tự nhiên. Quy luật chuỗi thức ăn, quy luật sinh tồn, quy luật sinh tử, quy luật nhân quả, quy luật giống nòi…
2. Vùng ảnh hưởng
Gây ảnh hưởng là tác động vào một sự vật, hiện tượng nào đó làm thay đổi sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ bạn có thể đập vỡ một cái cốc, đá văng quả bóng, đập đầu lõm tường, lên gối thằng hàng xóm, cho tiền ăn xin nhưng không thể làm gì với mặt trăng, mặt trời, tổng thống mỹ,…
Ở công ty, bên cạnh Trách nhiệm ta có Thẩm quyền tương ứng với vị trí đó. Ở gia đình ta có trách nhiệm làm bố mẹ thì ta cũng có thẩm quyền ở vị trí bố mẹ.
Thẩm quyền như một dạng năng lực để thực hiện trách nhiệm. Năng lực đó có thể tự thân ta có hoặc là do tổ chức trao cho. Ảnh hưởng xuất phát từ năng lực bản thân gọi là tầm ảnh hưởng mềm. Ảnh hưởng xuất phát từ vị trí trong tổ chức gọi là ảnh hưởng cứng.
Một nhân viên được tín nhiệm trong một công ty có thể có tầm ảnh hưởng cao hơn cả quản lý của anh ta. Một người làm quản lý ở một công ty nhưng có sự tín nhiệm không đủ có thể kém hơn cả vị trí nhân viên. Sự tín nhiệm xuất phát từ 4 năng lực của bản thân anh ta tùy thuộc vào mỗi sự việc.
Mở rộng ra thì ta có trách nhiệm là công dân của đất nước thì có quyền công dân. Ta là con người nên có năng lực của một con người (trí óc, thể xác) để thực thi trách nhiệm của một con người.
Như ta thấy là cả Trách nhiệmvà Ảnh hưởngđều có nội dung liên quan tới việc tự ý thức. Khi ta không ý thức được trách nhiệm của mình thì không thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Khi ta không ý thức được Ảnh hưởng của mình thì không phát huy được hết sức mạnh của bản thân.
Chúng ta sẽ làm việc hiệu quả nhất khi ý thức trách nhiệm, trách nhiệm theo vị trí và vùng ảnh hưởng trùng khít nhau. Khi đó ta ý thức được hoàn toàn trách nhiệm tại vị trí mà tổ chức giao cho mình và ta có đủ khả năng để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm đó.
Chúng ta sẽ phát triển lên vị trí cao hơn khi ý thức về trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm theo vị trí. Hoặc bằng cách luôn cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng.
Các cấp độ chủ động:
Bình thường nếu mọi việc diễn ra vốn như nó vẫn diễn ra thì không thể xác định được cấp độ chủ động. Chỉ có thể phân biệt ra làm hai loại: Làm mà không cần nhắc và Làm phải nhắc.
Tương tự như tính dũng cảm. Bình thường đang trời yên biển lặng thế này thì làm sao biết được ai dũng cảm, ai không. Làm sao bạn có thể đánh giá một ai đó là trung thực, chính trực, liêm khiết, người bạn thân nhất, người chồng tuyệt vời, người cha mẫu mực,… khi mà bạn chưa từng chứng kiến cách họ phản ứng trước tình huống thử thách đức tính đó?
Muốn phân cấp được tính chủ động thì phải có Vấn đề làm thuốc thử.
Ví dụ trong tình huống dưới. Vấn đề ở đây được định nghĩa là ” Nếu bạn không rẽ trái tại điểm C thì bạn sẽ đâm xuống ruộng”. Nguyên nhân chỗ đó chỉ có một lối đi rẽ trái. Giải pháp là phải vặn vô lăng sang trái một mức nào đó tại điểm C để có thể rẽ. Người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề là bạn vì bạn đang cầm lái. Điểm B là điểm deadline bạn phải quyết định sẽ thực hiện giải pháp gì, điểm C là điểm bạn phải thực hiện nếu không sẽ lĩnh hậu quả tại điểm D.
Cấp độ 1: Không nhìn thấy vấn đề
Việc nhìn ra điểm C liên quan tới tầm nhìn và khả năng muốn nhìn của bạn. Điểm A càng xa thì bạn càng có tầm nhìn xa. Càng sát điểm B thì tầm nhìn càng thấp, thường là do ta không muốn nhìn.
Khi ông lái xe không ý thức được rằng trách nhiệm của ông là phải phát hiện ra các vấn đề phía trước để xử lý nhằm đưa xe từ điểm A tới điểm B an toàn thì ông ta có khi còn mải xem điện thoại, ngắm cảnh bên đường. Không hẳn ông ta không có khả năng nhìn ra chỗ rẽ mà vì ông ta không quan tâm.
Cấp độ 2: Thấy nhưng mặc kệ
Nguyên nhân xuất phát từ việc không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình. Đáng nhẽ ngành giao thông nên nắn con đường thẳng ra, nhà sản xuất ô tô phải thiết lập chế độ tự rẽ, trách nhiệm rẽ là thuộc về hành khách, cảnh sát giao thông phải nhắc ta rẽ,….
Người ở cấp độ này chắc chắn mắc bệnh hay đổ lỗi và là dấu hiệu của một người có thái độ tiêu cực.
Ý thức được trách nhiệm nhưng vì mình không phải là người chịu hậu quả nên có khi cũng mặc kệ. Yên tâm, đâm đã có bảo hiểm, công ty chi tiền.
Cấp độ 3: Thấy và xin ý kiến
Alo, giám đốc đó ạ, đường phía trước đột nhiên không thẳng, tôi không rõ là nó đi đâu, tôi xin ý kiến chỉ đạo?
Alo, sếp ạ, đường phía trước đột nhiên rẽ sang trái, tôi không biết phải làm gì, tôi nên làm gì bây giờ?
Alo, sếp ạ, đường phía trước đột nhiên rẽ sang trái, tôi nghĩ là do bọn giao thông làm không đến nơi đến trốn, tôi nghĩ rằng sếp nên ý kiến với chính phủ về việc này. (đếch quan tâm tới hậu quả trước mắt, chỉ quan tâm tới tới cái đâu đâu)
Cấp độ 4: Thấy, tìm giải pháp và đề xuất
Alo, sếp, em thấy có chỗ rẽ trái, em thấy có 4 khả năng: rẽ trái, rẽ phải, dừng lại và đi thẳng. Sếp cho ý kiến chỉ đạo là em nên làm gì trong 4 khả năng đó ạ?
Alo, sếp, em thấy có chỗ rẽ trái, em quyết định sẽ vặn vô lăng ở điểm phải rẽ. Sếp cho ý kiến chỉ đạo là em có nên rẽ không ạ?
Cấp độ 5: Thấy và thực hiện
Cấp độ 4 là ông lái xe không ý thức được hết thẩm quyền của mình hoặc không tự tin vào quyết định của mình.
Cấp độ 5 là ông thấy vấn đề, tìm giải pháp và tự thực hiện không cần hỏi ý kiến các sếp nhờ vậy các quyết định được thực thi nhanh hơn, không mất thời gian trao đổi với sếp.
Việc tự thực hiện cũng phải đi đôi với sự trao quyền của người lãnh đạo. Một nhân viên có tính chủ động cấp độ 5 nhưng không được trao quyền chủ động rẽ mà phải xin ý kiến trước khi rẽ thì anh ta chỉ có thể dừng ở cấp độ 4.
Cấp độ 6: Đề xuất mang tính hệ thống
Tại sao chỗ đó không gặp vật cản gì mà đường lại ngoắt sang bên trái? Chỗ rẽ đó quá nguy hiểm do đường hẹp, thiếu biển báo,…cần phải báo cáo công ty để công ty làm việc với bên giao thông.
(1 tháng sau) Mình đã đề xuất việc cần cắm các biển cảnh báo mà hiện vẫn chưa thấy, mình cần phải hỏi lại phía công ty để thúc đẩy nhằm đảm bảo rằng biển báo phải được cắm ở đây.
Ở cấp độ này, ông lái xe đã làm quá ra ngoài khỏi vòng tròn trách nhiệm. Điều này có hai mặt:
Mặt 1: Nếu vùng đó vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của ông ta thì đề xuất của ông ta có thể mang lại giá trị thực sự là biển báo được cắm.
Mặt 2: Nếu vùng đó nằm ngoài tầm ảnh hưởng của ông thì đề xuất chẳng đi tới đâu. Ông ta dễ trở thành chuyên gia oán trách, mắc bệnh đổ lỗi; mất tập trung vào trách nhiệm chính. Hoặc nếu không đủ năng lực để xác định vấn đề, đưa ra giải pháp thì dễ trở thành đề xuất nhảm nhí, mất thời gian của người khác.
Do vậy đạt cấp độ này đòi hỏi phải đi đôi với cả năng lực tương ứng thì mới biến thành giá trị được.
Kết luận:
Điều kiện ảnh hưởng tới tính chủ động:
1. Khả năng ý thức về trách nhiệm của bản thân.
2. Tầm ảnh hưởng: mềm theo năng lực cá nhân và cứng theo vị trí trong tổ chức.
Các cấp độ chủ động:
1. Không nhìn ra vấn đề: Do vấn đề đó nằm ngoài ý thức về trách nhiệm của mình
2. Thấy nhưng mặc kệ: Do không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình. Cho rằng việc xử lý vấn đề là của người khác.
3. Thấy và xin ý kiến: Không ý thức được hết trách nhiệm của mình
4. Thấy, tìm giải pháp và đề xuất: do vượt quá tầm ảnh hưởng, không được trao quyền
5. Thấy và thực hiện: ý thức được đầy đủ về trách nhiệm và tầm ảnh hưởng. Được trao quyền đầy đủ.
6. Đề xuất mang tính hệ thống: Vấn đề nằm ngoài trách nhiệm về vị trí nhưng nằm trong tự ý thức về trách nhiệm. Đề xuất đúng sau đó theo đuổi tới cùng đề xuất là đỉnh cao của cấp độ này.
Chỉ cần vào google hay youtube gõ “ý chí” bạn sẽ thấy hằng hà sa số các bài viết, các video chủ để về ý chí. Ý chí dường như là tiêu chí hàng đầu cho thành công của con người. Nó có gì đó trùng lặp với Chỉ số vượt khó AQ, mà cũng có gì đó trùng lặp với khái niệm “Nghị lực”, “Kiên Nhẫn”,…
Hình ảnh mô tả cho ý chí thường là một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang chạy trên đường, một người tàn tật chơi thể thao, một người đàn ông đứng trên đỉnh núi,…Ta sẽ ít gặp tình huống mô tả một người ăn mặc sạch sẽ ngồi trước bàn làm việc.
Vậy Ý chí là gì và thực sự là có thể luyện tập để tăng level ý chí không? Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng giúp bạn hiểu được nó là gì và nó nên được luyện tập như thế nào.
1. Mối quan hệ giữa Thể chất và Tinh thần
Tinh thần và thể chất có mối quan hệ qua lại với nhau mà chúng ta chắc ai cũng hiểu, chẳng qua có quan tâm hay không mà thôi.
Một tinh thần khỏe mạnh thường đi đôi với một cơ thể khỏe mạnh và ngược lại. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy một tinh thần mạnh mẽ trong một cơ thể yếu đuối (trừ bẩm sinh hay bệnh tật). Chúng ta cũng sẽ không bao giờ thấy một tinh thần yếu đuối trong một cơ thể khỏe mạnh.
Trong những ngày bị bệnh hay đau đớn chỗ nào đó bạn sẽ thấy tinh thần rất chán nản, chẳng thiết làm cái gì, chỉ muốn cho mau khỏi bệnh. Cũng vào một ngày nào đó bạn tự nhiên thấy yêu đời thì tự nhiên bạn thấy cơ thể tràn trề sức sống, ăn mặc đẹp xuống phố.
Đây là mối quan hệ “và” không phải mối quan hệ “hoặc”. Khi cố gắng cái này thì cái kia sẽ tăng theo, chúng ta không phải đưa ra các lựa chọn đánh đổi.
2. Ý chí thuộc về yếu tố tinh thần
Tinh thần là thứ vô hình không thể nắm bắt. Ta cảm nhận được sự hiện hữu của tinh thần vì ta vẫn đang suy nghĩ hàng ngày hàng giờ, vẫn cảm giác được thế giới xung quanh qua các giác quan. Ta chỉ ngừng suy nghĩ khi ngủ hoặc chết đi, mà thực ra ngay cả khi ngủ ta cũng đang nghĩ chẳng qua không nhận thức được, màng tai vẫn rung, da vẫn chạm vào giường nhưng lại không nhận thức được do vậy không ghi nhớ được.
Ý chí là một yếu tố thuộc về tinh thần. Nó là khả năng bạn vượt qua các giới hạn của bản thân.
Mỗi người trong chúng ta đều có một vòng giới hạn mà mọi sự làm quá lên đều phải đòi hỏi ý chí.
Chúng ta làm một ví dụ nhỏ thế này. Bạn giơ tay lên trời giữ nguyên tư thế đó. Trong 30 giây đầu bạn sẽ thấy thật dễ dàng, chẳng phải cố gắng gì. Rồi bạn cảm thấy tay bắt đầu mỏi dần, bạn có thể thả tay xuống hoặc vẫn tiếp tục giữ tay bất chấp cái sự mỏi. Lúc này bạn đang làm quá khả năng có thể của cái tay, và ý chí đang được sử dụng. Cơn mỏi tăng lên cùng hàng loạt các suy nghĩ bắt đầu xuất hiện trong đầu như “tại sao mình phải khổ thế này, đây là việc vô bổ”, ” có ai chứng kiến việc này để phán xét ta đâu”, “ta không thể làm được nữa”….Các suy nghĩ này tấn công làm suy yếu ý chí của bạn.
Mức độ giàu ý chí sẽ quyết định việc bạn chiến thắng các suy nghĩ đó như thế nào để tiếp tục giữ tay được lâu hơn. Nhưng rồi thì tới một lúc bạn cũng phải bỏ tay xuống cho dù bạn có giàu ý chí tới đâu. Nguyên nhân là sức ở tay bạn cũng có giới hạn, nó sẽ tự lỏng xuống cho dù bạn có muốn. Điều này dẫn tới một kết luận là giá mà cái tay khỏe hơn so với hiện tại thì bạn sẽ không phải sử dụng ý chí nhiều tới như vậy để giữ tay tới lúc này.
3. Hãy gia tăng giới hạn của bản thân
Ý chí như chất kích thích. Cho dù bạn có được tiêm chất kích thích mạnh nhất cũng chẳng bơi được như Michael Phelps đang bơi thư giãn. Nhưng nếu Michael Phelps được tiêm chất kích thích anh ta sẽ bơi nhanh hơn giới hạn tối đa của bản thân.
Mức độ giàu ý chí sẽ không quyết định được thành công của bạn nếu như giới hạn khả năng bản thân quá thấp. Bạn có thể sử dụng rất nhiều nỗ lực, nhiều cố gắng, nhiều chịu đựng nhưng kết quả mang lại cũng không hơn được với người xung quanh.
Một runner nghiệp dư dùng rất nhiều ý chí để chỉ là một người về đích của một giải chạy marathon nhưng một vận động viên chuyên nghiệp thì hoàn thành nó chẳng khó khăn gì cả.
Một nhân viên kỹ thuật có thể dùng rất nhiều ý chí để hoàn thành một vấn đề kỹ thuật khó nhưng một chuyên gia kỹ thuật thì đó là việc hàng ngày.
Nhưng cho dù thế nào thì một người ý chí luôn được mọi người tôn trọng và khích lệ
Tấm ảnh bên là cụ bà 92 tuổi, người già nhất hoàn thành cự ly Marathon giải chạy San Diego 2015 trong 7 giờ 24 phút và 36 giây. . Cự ly marathon là 42 km và rất ít người trong chúng ta có thể làm được. Hoặc vì chúng ta chưa từng muốn hoàn thành một cự ly marathon, hoặc là muốn nhưng không thực hiện được.
Nếu so thành tích của bà với một runner mức trung bình thì chẳng là gì nhưng nếu so với chính bà, những người già như bà, thì vấn đề lại khác hẳn. Bà được cổ vũ trên toàn bộ tuyến đường đua vì những người quan sát thấy được ý chí trong từng bước chạy của bà. Họ ước được sở hữu một ý chí như của bà, họ muốn lúc vào tuổi bà họ có thể làm được điều đó, nó như tấm gương khích lệ chính họ.
Một người có ý chí thường tiền bộ không ngừng nghỉ nên một lúc nao đó họ sẽ vượt qua những người khác. Họ có thể chậm như rùa nhưng họ lại đi liên tục và một lúc nào đó họ sẽ tới đích.
4. Thực tế người được coi là giàu ý chí họ dùng tới ý chí rất ít
Nghe có vẻ ngược đời. Rõ ràng chúng ta thấy họ rất nỗ lực, với hiện trạng của họ mà họ đạt được thành quả như vậy thì chắc chắn phải đòi hỏi cực kỳ nhiều ý chí. Thực tế không phải vậy.
Bạn thường thức vào lúc 7 giờ sáng và thấy gần như không thể dậy sớm lúc 5 giờ đặc biệt là những hôm giá rét. Bạn nhìn những người phải đi làm vào lúc sáng tinh mơ, ví dụ đi lấy mối rau quả từ sớm để về chợ bán, một cách khâm phục. Nhưng họ không giỏi đến thế, chẳng qua bạn so mình với họ thôi. Thực tế là họ không quá khó khăn để làm điều đó, điều đó diễn ra hàng ngày và bình thường đối với họ.
Bạn nghĩ tới việc dậy 5 giờ sáng để tập thể dục với ý nghĩ là hôm nào cũng phải nỗ lực. Nhưng bạn chỉ phải nỗ lực 1 tuần thôi, rồi dần dần bạn sẽ ít phải nỗ lực hơn rồi tới lúc bạn chẳng phải nỗ lực gì cả cũng mở mắt vào 5 giờ sáng.
Một người được gọi là giàu ý chí họ không cố gắng, nếu không bị ép buộc, đang ở hiện trạng 1 và làm tới 100. Họ từ 1 làm tới 2 rồi tới 3; tới khi họ đạt 99 thì việc cố tới 100 cũng chẳng to tát gì.
Nick Vujicic không phải cố gắng hàng ngày, anh ta đã quá quen với việc không có chân tay rồi, từ khi sinh ra anh ta đã phải sống với những thiếu hụt đó. Anh ta thực tế chỉ cần vượt qua trạng thái oán trách số phận thì cũng chẳng khác mấy chúng ta, thậm chí mọi năng lực của anh ta tập trung vào bộ óc thay vì cho toàn bộ các phần khác như chúng ta vì vậy mà nó sẽ hoạt động tốt hơn.
Giáo sư vật lý Stephen Hawking bị nhiều loại bệnh khác nhau nhưng vẫn là nhà vật lý vĩ đại. Nhà soạn nhạc Beethoven bị điếc vẫn có những bản nhạc nổi tiếng. Helen Keller bị mù điếc bẩm sinh vẫn hàng ngày đi an ủi các bệnh nhân khác.
Tất cả họ thực tế không phải cố gắng trong từng hơi thở. Họ chỉ cố gắng ở giai đoạn đầu, sau đó thì khi mọi thứ đã thành thói quen thì họ không phải quá nỗ lực nữa
5. Nguyên tắc phát triển gia tăng ý chí
Ví dụ:
Bạn có khả năng nâng được 15 kg tạ. Nếu bạn cứ luyện tập mãi ở mức dưới 15kg thì đương nhiên bạn sẽ không khỏe hơn và cũng chẳng phải nỗ lực gì để đạt được. Một ngày đẹp trời, có một em xinh tươi xuất hiện trong phòng Gym, trước mặt người đẹp chẳng nhẽ nâng có 15kg, bạn quyết định nâng 20 kg. Mặc dù 20kg đã vượt tới 30% so với cân nặng tối đa trước đó nhưng bạn cũng nâng được vài phát nhờ làm quá lên năng lực thực sự của cơ thể cộng với ý chí không bỏ cuộc giữa chừng.
Sang ngày hôm sau, mặc dù người đẹp không còn xuất hiện bạn vẫn quyết định mình nên nâng lên quả tạ 20kg vì khả năng mới tạo cho bạn sự tự hào (ít nhất là với lũ bạn vẫn hay nâng dưới 15kg). 1 tuần sau với sự luyện tập đều đặn bạn có thể nâng được quả tạ 20 kg cũng đơn giản như đã nâng quả tạ 15kg trước đó. Không đòi hỏi phải ý chí hơn nhưng kết quả lại cao hơn.
Sau đó bạn tăng lên quả tạ 25kg. Sự việc lại lặp lại như lần trước. Sau 1 tháng, bạn nâng quả tạ 25kg cũng dễ dàng như quả tạ 15kg cách đó 5 tuần. Rồi 30kg, 40 kg,…khó khăn ngày một tăng dần, ý chí đòi hỏi ngày càng cao hơn. Bạn liên tục muốn bỏ cuộc, nếu vượt qua bạn sẽ lại tăng thêm, nếu bỏ cuộc bạn dừng ở mức cân đó.
Vi dụ khác là môn chạy
Thực tế chạy hay bơi hay bất cứ môn thể thao nào cũng sẽ diễn ra như thế này:
Từ 0 km tới 200m : chẳng phải cố gắng gì
Từ 200m tới 700m : bắt đầu mệt
700m: bắt đầu muốn dừng lại
Từ 700 tới 1000m : dùng tới ý chí để không bỏ cuộc.
Từ 1000m tới 2000m: cảm thấy khỏe hơn, không còn phải cố gắng nữa.
2000m: muốn dừng lại vì mệt, nhàm chán, đau chân.
Từ 2000m tới 3000m: lại phải dùng tới ý chí để không bỏ cuộc. Lần này phải sử dụng nhiều hơn lần trước.
Từ 3000m tới 5000m: không còn phải cố gắng nữa
5000m: tiếp tục muốn dừng lại
Từ 5000m tới 6000m : lại phải dùng tới ý chí ở mức độ cao hơn.
Cứ như vậy, các mốc đòi hỏi ý chí đến một cách đều đặn nhưng ý chí đòi hỏi ngày một cao hơn do sự đau đớn, mệt mỏi, nhàm chán tăng dần…
Nếu bạn tập chạy chăm chỉ thì các mốc này sẽ đến chậm hơn, ý chí bạn cũng sẽ tăng tiến theo.
Ở hình bên phải phía trên mô tả việc dùng tới ý chí trong chạy. Các mốc khó khăn đến đều đặn và ở mức độ không quá lớn như hình bên trái. Nhờ đến đều ở mức độ thấp nên ta có cơ hội vượt qua hơn.
Nếu bạn chưa bao giờ chạy, một ngày đẹp trời bạn muốn hoàn thành một cự ly 10k thì chắc chắn bạn phải bỏ ra nhiều ý chí hơn so với một người vẫn hay tập chạy.
Như vậy ta có thể tóm tắt lại mấy bước sau:
Bước 1: Tạo một lực đẩy nhẹ cho xe lăn bánh
Cần có một động lực nhỏ làm khởi động bộ máy. Nó trả lời câu hỏi tại sao bạn lại làm việc đó hoặc đơn giản là một thứ nào đó khiến bạn có thể bắt đầu, cho dù động lực đó có cao cả hay đê tiện tới đâu. Bạn nâng quả tạ 20kg vì có một cô em xinh đẹp trong phòng GYM, bạn tập chạy vì nghĩ tới khoảng khắc về đích của một cuộc đua, bạn quyết chí học hành vì có thể làm chủ cuộc sống thay vì bị nó quay tròn hoặc đơn giản để có thể trả lời được những câu hỏi của con ngồi cùng bàn, bạn quyết đứng lên sau thất bại vì người ta đã nói “Thất bại là mẹ thành công”.
Bước 2: Đặt mục tiêu liên tiếp
Động lực ở bước 1 không đẩy được bạn đi lâu. Các khó khăn sẽ đập chết những ý nghĩ tươi đẹp thời điểm ban đầu. Bạn phải nhanh chóng tìm động lực bền vững và liên tục đó là “Hãy hoàn thành mục tiêu tiếp theo vì tôi muốn thế”
Khi nâng được quả tạ 20kg, bạn chợt nhận ra rằng mình có khả năng học tập, mình tới một tầm cao mới, mình cảm thấy tự tin hơn, nếu cứ đà này mình sẽ nâng được quả tạ 200 kg trong tương lai. Cảm hứng trong luyện tập sẽ giúp bạn không bị bỏ cuộc. Cảm hứng đó sẽ nuôi sống ý chí, nếu như đơn giản bạn chỉ quyết tâm mà không tìm cách bổ sung cho nó trên quãng đường thì nó sẽ hết dần.
Nếu như bạn nâng quả tạ 20kg sau đó nghỉ ngơi, thỏa mãn thì tất nhiên chẳng bao giờ có thể nâng được quả tạ 200kg. Lúc này bạn lại ở trạng thái ngồi đợi một cô em xinh đẹp hơn, một động lực nào đó để tiếp tục đẩy lên. Đó là bạn đang ở trạng thái bị động.
Bước 3: Nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng phải cố gắng.
Ai tập luyện thể thao sẽ nắm rất rõ điều này. Họ không phải cố gắng tòan bộ tiến trình mà họ chỉ cần cố gắng vào từng khoảng nhất định. Trong bơi lội, nếu bạn có thể bơi tới 300m thì bạn dễ dàng bơi tới 500m, nếu bạn có thể bơi tới 700m thì bạn sẽ dễ dàng bơi tới 1000m,….Nếu bạn nâng được quả tạ 20kg thì bạn dễ dàng nâng được quả tạ 21kg, nhưng tới 25kg chẳng hạn thì vấn đề lại khác rồi.
Nguyên tắc này sẽ không làm bạn nản chí, nếu lúc nào cũng nghĩ mình phải nỗ lực thì mệt lắm.
6. Gia tăng năng lực không có nghĩa là gia tăng ý chí
Năng lực của bạn có thể tăng đều đều nhưng có thể ý chí vẫn không thay đổi. Ý chí giống như gia tốc mà năng lực giống như tốc độ. Dạng chuyển động nhanh dần đều có tốc độ tăng dần nhưng gia tốc bằng hằng số.
Ý chí chỉ tăng khi ta liên tục phải dùng tới nó ở cấp độ cao dần lên. Cũng như nâng tạ, nếu bạn chỉ loanh quan trong vùng ý chí của mình thì ý chí không hề thay đổi. Nếu bạn nỗ lực để chạy 5km sau 1 tháng tập luyện, thì sau khi hoàn thành nó hãy đặt ra mục tiêu 10km ở 2 tháng tiếp theo, sau đó là 21km, sau đó là 42km rồi cao hơn nữa.
Nếu bạn liên tục vượt qua ngưỡng ý chí đang có thì ý chí sẽ được nới rộng ra dần. Bạn sẽ vượt qua được những cấp độ khó khăn tương đối lớn hơn.
Điều này nhắc ta rằng không nhất thiết phải phát triển ý chí; chỉ cần nới rộng năng lực theo từng bước của khả năng ý chí là đủ.
7. Đừng thi gan với tinh thần, hãy bắt đầu từ thể chất
Như đầu entry này tôi có đề cập, bạn có thể gia tăng tinh thần hoặc thể chất, một trong hai vào một thời điểm. Đừng ngồi suy nghĩ tìm các động lực, củng cố cái sự muốn để mà gia tăng ý chí; việc đó vừa tốn thời gian vừa hiệu quả kém.
Hãy là một runner, bạn sẽ có tất cả.
Chẳng phải tôi là người thích chạy mà tôi cổ vũ điều đó đâu. Tôi sẽ giải thích cho bạn tại sao lại vậy:
Chạy là một quá trình đòi hỏi ý chí tăng từ từ thay vì đột ngột. Nó giống như việc bạn kéo một sợi dây chun, kéo rồi thả, kéo rồi thả, dần dần dây chun sẽ dãn dần ra.
Chạy khác với nâng tạ. Chạy sử dụng sức bền trong khi nâng tạ chỉ sử dụng sức trong một khoảng thời gian rất ngắn. Khi chạy, liên tục các ý muốn bỏ cuộc đến dồn dập khiến bạn có cơ hội để rèn luyện ý chí.
Khi là một runner bạn phải sắp xếp thời gian để có thể chạy. Bạn cũng phải ăn uống ngủ nghỉ điều độ để không bị tăng cân. Nó rèn luyện cho bạn sự kỷ luật cực tốt.
Tuy nhiên khi chạy cũng phải có chiến lược. Nếu như chạy theo kiểu mỗi buổi chiều ra công viên Lê Nin chạy 2 vòng quanh nó, hôm nào cũng thế, năm này qua năm khác thì cũng giống như việc bạn dừng ở mức tạ 15kg, chẳng phải cố gắng gì.
Chạy hay là bất cứ môn thể nào bạn cũng phải nâng dần độ khó lên, độ khó tăng lên thì mới đòi hỏi tới ý chí rồi năng lực từ đó mới theo.
8. Tại sao chúng ta thất bại trong luyện ý chí?
Vì chúng ta bỏ ra một sự cố gắng giống nhau, trong vùng an toàn của ý chí. Nếu cố gắng vượt qua ranh giới an toàn một lúc nào đó sau đó nghỉ ngơi dài ngày thì nó lại về mức ban đầu. Giống như việc tập tạ, nếu bạn tập trong 1 năm sau đó 1 năm không tập nữa thì bạn lại về cái mốc ban đầu trước khi tập.
Chúng ta hay để mặc ý chí tự phát triển, năng lực tự phát triển mà không hoạch định và thực hiện một cách bài bản. Ta chỉ luyện tập năng lực dựa vào những khó khăn đến ngẫu nhiên khách quan từ bên ngoài. Vì nó đến không đều đặn và ở cấp độ không được kiểm soát nên ta yếu vẫn hòan yếu. Một tháng nâng vật nặng vài lần làm sao có thể khỏe được bằng một ông tập tạ hàng ngày.
Chúng ta phải chuyển sang thế chủ động tìm tới khó khăn. Vì chủ động nên ta có cơ hội lựa chọn mức độ khó của khó khăn. Phát triển năng lực, ý chí có thể từng bước chậm chạp nhưng hãy đều; bạn sẽ không bao giờ phải bất ngờ với những khó khăn đến không báo trước nữa.
Kiên trì và Ý chí
Khi nói ai đó là người kiên trì, ta sẽ mường tượng ngay ra hình ảnh một con người lặng lẽ lù lù tiến về phía trước. Như một con kiến cứ mỗi lần gắp một cọng cỏ khô, dần dần nó cũng thành một đống.
Khi nói tới ai đó là người có ý chí thường ta nghĩ tới một người có khả năng vượt qua những khó khăn lớn. Như trong entry này tôi có đề cập, bạn có thể đạt kết quả lớn dần bằng cách nới rộng vùng khả năng theo từng bước nhỏ với một ý chí không cần gia tăng.
Một người không kiên trì vẫn có thể giàu ý chí. Chỉ đối diện với thử thách ta mới biết một người giàu ý chí tới đâu.
Tinh thần và thể chất
Khi cảm thấy mệt mỏi ta thường có xu thế muốn nằm nghỉ ngơi, không động chân động tay, không làm gì cả. Nhưng thực ra chúng ta phải xác định là mệt do đâu. Mệt do lao động thể chất nhiều hay mệt do suy nghĩ nhiều.
Sau một ngày làm việc văn phòng, mặc dù nắng trắng tới đầu, di chuyển không quá 300 bước thì chắc chắn là mệt mỏi về mặt tinh thần rồi. Lúc này nếu ta hoạt động thể chất như chạy vòng, đi phòng gym,…thì sẽ cảm thấy khỏe khoắn trở lại ngay. Ngược lại nếu ta chỉ đơn giản về nhà nghỉ ngơi thì mệt vẫn hoàn mệt. xem vài ba chương trình show game là đã hết buổi tối rồi.
Thông thường khi mệt mỏi cho dù đó là mệt tinh thần thì ta vẫn cảm thấy rất khó khăn để vận động. Cảm giác này dễ nhận thấy khi buổi sáng dậy, cảm giác đầu óc ù lì, rất ngại vận động; nhưng cứ thử vận động một tí ta sẽ thấy tinh thần rất sảng khoái.
Khi bạn cảm thấy chán nản thì không gì tốt hơn là vận động. Thế nên nếu như bạn có sẵn trong mình một một môn thể thao nào đó có thể dễ dàng thực hiện thì sẽ rất hữu dụng. Sau vận động, đầu óc sáng suốt, bạn sẽ không còn cảm thấy chán nản nữa.
Rèn luyện là một loại phẩm chất. Rèn luyện thân thể đại diện cho một dạng văn hóa cầu tiến. Muốn biết một quốc gia có mạnh mẽ hay không thì nhìn vào số lượng người tập luyện thể dục là rõ.
Buổi sáng tại châu âu trên phố hầu như không có người, trong khi đường phố ở Mỹ có rất nhiều người tập thể dục, thẩm chí cả ngày đều như vậy.
Khi cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bực tức, stress,… tôi thường xỏ dày vào và chạy. Chạy giúp tôi biết rằng tôi vẫn tồn tại, vẫn là người có khả năng.
“Vẫn tồn tại” nghe cỏ vẻ siêu thực nhưng thực tế ngày nay chúng ta bị hướng ra bên ngoài rất nhiều, bất cứ một khoảng lặng nào đều bị smart phone chiếm dụng. Chạy giúp tôi hướng vào bên trong, giúp tôi cảm nhận được con người vật lý, con người tinh thần của mình.
Khi chạy bạn nghĩ rằng chân hoạt động và đầu óc có thể bay lượn khắp nơi. Nhưng thực tế không phải vậy. Lúc đó ta chỉ có thể nghĩ tới từng bước chân chạy; có thể một lúc nào đó ở trạng thái trống rỗng được một lúc nhưng cơ bản là phải nỗ lực từng bước chạy. Nó gần giống như thiền, bắt buộc bạn rời xa những suy nghĩ cơm áo gạo tiền hàng ngày.
“Có khả năng” nghe cũng hơi buồn cười. Lý giải ở đây là khi tôi chạy tôi nhìn xung quanh và thấy rằng không có nhiều người chạy như tôi. Số người tập chạy ở VN rất ít, và đương nhiên là cũng không nhiều người đạt được cự ly như tôi đã đạt. Đây không phải là cảm giác tự mãn mà là cảm giác mình đang hơn người khác ở một khả năng nào đó. Nhất là khả năng đó gắn liền với sự nỗ lực của ý chí.
Chạy sử dụng nhiều tới ý chí. Lần đầu tiên tôi hoàn thành cự ly 21 km (half marathon) là ngày sinh nhật của tôi. Không có sự chuẩn bị gì cả, đang chạy và nghĩ rằng hôm nay là sinh nhật nên phải làm một cái gì đó khác bình thường. 21 km không uống, không nghỉ sau đó tôi đã phải trả giá vì thiếu hiểu biết nhưng tôi cảm thấy thỏa mãn vì đạt được một cự ly mình ao ước. Từ đó tới nay đã hơn 1 năm nhưng tôi chỉ mới đạt được cự ly 21km được thêm một lần nữa ở một giải chạy.
Điều này giải thích rằng thực tế một người ham chạy cự ly dài không phải họ thường xuyên đạt được cự ly dài. Một người chạy đạt cự ly 42km họ chỉ đạt một vài lần trong năm, đặc biệt trong các cuộc thi; còn lại thì họ chỉ chạy bình thường dưới 10km. Cứ mỗi lần phải đạt cự ly 42 km thì họ đều phải cực kỳ nỗ lực. Không giống như cử tạ, bạn có thể đạt mức tạ tối đa ở mỗi lần tập luyện.
Hồi mới đạt cự ly 10km tôi cảm thấy tự hào lắm. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng người giỏi rất nhiều; họ đạt cự ly 21km, 42km. Rồi khi đạt cự ly 21km tôi lại nhận ra có người đạt cự ly 100km. Dường như càng giỏi người ta càng ít khoe khoang hơn vì vậy ta không biết tới họ.
Tương tự, hồi mới bơi được 600m liên tục tôi cũng khoe ầm lên trên facebook. sau đó khi đạt cự ly 2000m tôi phát hiện ra rằng mình chỉ là con tép khi có rất nhiều người đạt cự ly đó hàng ngày với thời gian ngắn hơn nhiều. Tôi rút ra là ở đời, người càng giỏi họ càng ít khoe khoang, càng ít kêu to, càng lặng lẽ. Người mới bắt đầu con đường tới giỏi thì thích ầm ỹ trên mỗi chặng đường họ đạt được.
Nhưng rồi tất cả họ sẽ tới một điểm chung, họ nhận ra rằng có quá nhiều người giỏi xung quanh họ và họ chẳng là gì cả. Họ bớt kêu to đi, họ gia nhập vào đội quân lặng lẽ, lầm lũi tiến bước.
Thế nên chúng ta cần hiểu rằng tất cả những thứ ta xem được (tivi, internet) hàng ngày chỉ là 5m nước sát mặt biển, nơi những con cá nhỏ thích làm xáo động làn nước. Có hàng nghìn mét sâu dưới biển nơi đợi bạn giỏi hơn để xuống sâu hơn. Mức trưởng thành của bạn sẽ quyết định tới việc bạn xuống sâu tới đâu, để giúp bạn mở rộng được tầm mắt, giúp bạn ra khỏi nhóm những con cá nhỏ lăng xăng mặt nước.
Vài suy nghĩ
Tòa nhà tôi ở có phòng tập gym nên sáng nào tôi cũng chạy trên máy chạy. Chạy trên máy có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm lớn nhất là khung cảnh xung quanh không thay đổi dẫn tới sự nhàm chán.
Chẳng có gì để nhìn đâm ra cũng phải tìm cách cho bộ óc nó hoạt động để thoát khỏi việc bỏ cuộc. Tôi nghiệm ra mấy thứ:
1. Trong quá trình chạy tôi nghĩ tới việc mình phải chạy 42km vào tháng 12. Điều này sẽ giúp tôi cảm thấy rằng việc phải hoàn thành 5, 7 hay 10km lúc này là quá tầm thường. Nếu tôi bỏ cuộc thì tôi làm sao có thể thực hiện được 42km -> Ta phải đặt mục tiêu thật lớn vì nó sẽ biến những khó khăn trên đường đi trở thành nhỏ bé. Nếu ta chỉ đặt mục tiêu 5km thì sẽ dễ bỏ cuộc ở ngay km số 2. Đối với một người chạy ultra cỡ 100km thì 10km đối với họ chỉ như là khởi động.
2.Trong quá trình đi tới mục tiêu hãy nuôi cái viễn cảnh ngày mình hoàn thành mục tiêu mình sẽ được gì: Mình có thể check in, có thể show trên facebook để cho bạn bè mình phải trầm trồ thán phục.
Mình có thể tự hào rằng mình đã vượt qua một thử thách tưởng như không thể.
Mình sẽ uống một chai bia, sẽ nằm dài nghe nhạc (thực tế là khi bạn hoàn thành một cự ly dài thì uống nước lọc cũng sướng).
3. Giả vờ thỏa hiệp: vì tôi biết rằng trong toàn bộ tiến trình sẽ có những điểm mà mình muốn bỏ cuộc. Vậy hãy giả vờ thỏa hiệp để vượt qua mốc đó. Ví dụ mốc 2 km là muốn dừng thì hãy tự nhủ, ta sẽ cố chạy tới 2,5km rồi sẽ dừng. Thực tế là tới 2,5km khi vượt qua ngưỡng thì ý định bỏ cuộc sẽ biến mất. Thế nên tôi mới nhấn mạnh là hãy tìm một động lực nào đó cho dù có đê tiện tới đâu; đầy ông tập thể dục buổi sáng chỉ vì đơn giản có một em gái xinh tươi cũng hay đi giờ đó. Cuối cùng thì kết quả vẫn là cái đáng giá hơn cách thực hiện.
4. Đường xa tới mấy nếu từng bước thì rồi cũng xong: Trong khung cảnh nhàm chán ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng tôi thấy hình ảnh một người đàn ông cỡ 40 tuổi có lẽ bị đột quỵ tập đi bộ bằng cách bám vào một cái xe lăn phía trước, ông ta nhích từng bước một rất chậm. Thế mà chỉ một lúc sau đã thấy đi hết tầm mắt. Nếu như chỉ nhìn cách ông đi thì sẽ nghĩ rằng không biết bao giờ ông mới tới đích.
5. Công cụ đo đếm là rất quan trọng: Trên máy chạy có nhiều thông số bao gồm:
Tốc độ chạy
Độ dốc
Số km đã chạy
Số calo tiêu thụ
Thời gian đã chạy
Số vòng sân vận động
Tôi có thể biết rõ mình đang ở đâu, nó khích lệ tôi đã hoàn thành được một khối lượng nào đó theo ít nhất là 4 chỉ số. Lúc thì tôi lấy số km làm mục tiêu, lúc tôi lấy thời gian, lúc thì lấy calo, lúc thì lấy số vòng sân vận động. Không phải công việc nào cũng rõ ràng được như thế.
6. Đi bộ không có nghĩa là đỡ mệt hơn chạy: Thực tế là chạy 2km đỡ mệt hơn nhiều so với đi bộ 2km. Có nghĩa là nếu bạn đạt mục tiêu là X thì nếu bạn đi bộ túc tắc tới đó thì sẽ mệt mỏi hơn là chạy tới đó. Trong đọc sách, đọc chậm sẽ mệt hơn là đọc nhanh. Trong công việc nói chung, làm chậm mệt hơn là làm nhanh. Có thể xét về thời điểm thì chậm đỡ mệt hơn nhanh nhưng nếu cộng đồn lại toàn bộ tiến trình thì chậm sẽ mệt hơn nhanh.